Bài viết mình đúc kết từ góc nhìn và trải nghiệm của bản thân, có thể cũng không phù hợp với một số người, hi vọng nhận thêm nhiều chia sẻ có ích từ các bạn.
(Trong bài có sử dụng một số từ tiếng Anh vì nó phù hợp với ngữ cảnh, phổ biến trong giới IT nói riêng và cộng đồng nói chung, chứ không phải mình cố tình đưa vào để sính ngoại nhé)
Việc cải thiện tiếng Anh sẽ giúp bạn nâng cao hiệu suất công việc (productivity) rất nhiều, ngoài ra còn có thể tăng thu nhập (income) bằng cách làm thêm cho khách quốc tế hoặc đơn giản là apply các job yêu cầu trình độ tiếng Anh nhất định.
Cải thiện tiếng Anh mảng IT như thế nào
Để cải thiện tiếng Anh chuyên ngành, thì mình nghĩ các bạn nên:
1. Cải thiện tiếng Anh nền tảng. Cái này nghe rất “ai mà chẳng biết” nhưng vẫn cần phải nói lại. Nền tảng là kiểu hiểu được các cấu trúc câu căn bản, phân biệt được các tense (thì), thể bị động / chủ động, từ vựng giao tiếp. Hầu hết các tài liệu tiếng Anh, ngoại trừ sử dụng từ vựng chuyên ngành, thì đều được viết khá đơn giản về mặt cấu trúc ngữ pháp, không phải theo kiểu IELTS 8-9… Việc này có thể xài con cú Duolingo cũng được. Việc cải thiện này còn có thể được tích lũy dần dần nếu như chúng ta làm thêm các mục bên dưới.
2. Cố gắng tìm kiếm bằng tiếng Anh, giảm sử dụng tiếng Việt. Có thể nhớ keyword là tìm được vì Google cũng khá thông minh chứ bạn không cần phải viết chính xác nguyên một câu chung chung. Ví dụ, thay vì tìm “OOP là gì”, hãy cố gắng ghi “what is OOP” hoặc “OOP definition”.
3. Cố gắng ghi nhớ nội dung đầy đủ của các từ viết tắt hoặc cụm từ đó trong tiếng Anh là gì. Ví dụ, “hướng đối tượng” trong tiếng Anh viết tắt là “OOP”, đầy đủ là “Object-Oriented Programming”. Cần nhấn mạnh là bạn ghi nhớ luôn cả cách viết lẫn cách chia thì, form ngữ pháp. “Object-Oriented Programming” chứ không phải “Object Orient Programming”. SOLID, DRY, DNS, HTTP, HTML, CSS, SSR, DDD, BDD, TDD…; “phương thức” là “method”, hàm là “function”, “tham số” có thể là “parameter” hoặc “argument” tùy hoàn cảnh, “biến” là “variable”, “tính đa hình” là “polymorphism”…
4. Cố gắng đọc các tài liệu chuyên ngành, documentation, guide, usage… bằng tiếng Anh càng nhiều càng tốt. Chỉ khi nào bí lắm thì mới mang một câu không hiểu đó đi dịch. ĐỪNG vội vàng copy nguyên website rồi bỏ vào Google Translate cho lẹ. Lúc đó, vừa giảm khả năng đọc hiểu tiếng Anh, vừa có thể khiến bạn hiểu sai hoặc gặp các từ “ngộ ngộ” mà không biết bản gốc là gì. Ví dụ, bên crypto có khái niệm “token” hay được Google Translate dịch thành “mã thông báo”, khá khó hiểu.
5. Khi viết code, cố gắng đặt tên cho variable, function, class, interface… bằng tiếng Anh 100%, và cố gắng đặt đúng ngữ pháp cũng như thứ tự nữa. Ví dụ, $newProduct thay vì $sanPhamMoi hoặc $productNew, $tempString thay vì $stringTemp v.v… Ngoài ra, việc luyện tập viết code comment, DocBlock bằng tiếng Anh cũng giúp ích cho tư duy đọc/viết của bạn rất nhiều (dù việc này có khi phụ thuộc vào yêu cầu của dự án vì nếu viết comment toàn tiếng Anh thì đồng nghiệp không hiểu được, phải quay về tiếng Việt).
6. Cố gắng không đổi UI qua tiếng Việt rồi xem đó là mặc định, nhất là đối với các hệ điều hành, điện thoại, Facebook UI, Google UI… Những sản phẩm lớn toàn cầu hầu hết đều có tiếng Việt và mặc định chuyển qua tiếng Việt dựa trên IP truy cập. Hãy tìm cách thay đổi ngôn ngữ của UI về tiếng Anh để trong quá trình sử dụng, chúng ta cũng sẽ hiểu thêm về terminology / glossary hay nôm na “cái này trong tiếng Anh / chuyên ngành là gì”.
7. Tiến thêm một bước nữa là tìm hiểu cách phát âm (pronunciation) sao cho đúng. Cách này có thể được thực hiện bằng cách tìm trên Google với cú pháp “<word> + pronunciation”. Thông thường sẽ có một khung cho phép bạn nghe luôn, hoặc muốn chuẩn hơn thì tìm các link bên dưới dẫn về Cambridge Dictionary chẳng hạn. Việc này giúp bạn tự tin khi nói những từ nhiều âm tiết và nhấn âm đúng. Ví dụ như encapsulation, repository, maintenance, inhertiance, polymorphism…
8. Khi xem online video, online course…, hãy bật phụ đề tiếng Anh nếu có. Cái này giống như xem Netflix kèm phụ đề để học tiếng Anh thông thường vậy. Ngon nhất là các course hoặc clip được đính kèm tiếng Anh sẵn (không phải được tự động tạo – auto-generated). Mình thấy các course xịn trên Coursera có phần Transcript hoặc Subtitle được biên soạn riêng; Udemy thì một vài course có, YouTube tương tự.
9. Đi comment, đọc comment, thảo luận, đặt câu hỏi… bằng tiếng Anh ở các cộng đồng nước ngoài. Mình đang nói tới StackOverflow nói riêng và hệ thống site StackExchange nói chung, Reddit, Quora v.v… Xem nhiều ở đây thì còn lợi thêm là biết được các “slang”, các cách dùng câu kiểu bỗ bã, ít được ghi trong tài liệu nghiêm túc… vì nó đến từ con người. Ví dụ, mình hay xem ở /r/PHP, /r/Laravel, /r/WebDev…
Tổng kết
Như đã nói ở trên, việc cải thiện tiếng Anh là mưa dầm thấm lâu. Nếu ai đã có may mắn khi nền tảng tiếng Anh vững thì chúc mừng, hãy dành thời gian bổ sung từ vựng chuyên ngành nhiều hơn. Còn không, nếu bạn kiên trì làm theo thì qua một thời gian, bạn sẽ thấy mình nâng trình hơn hẳn.
Và khi đã cải thiện rồi, bạn sẽ thấy các bài thi tiếng Anh đa dụng như TOEIC chẳng hạn, sẽ trở nên dễ thở hơn nhiều.
Mình từng test thử TOEIC online và đạt được mức điểm 980 (không ôn gì trước đó, kiểu một buổi tối tò mò vào thi thử luôn thôi, thi thực có thể thấp hơn vì tâm lý thử thoải mái), tương đương C1 thang CEFR (không phải flex, chỉ để chứng minh là các cách trên có thể giúp bạn hoàn thiện khả năng bản thân như thế nào).
Còn các bạn có thêm tips nào không? Chia sẻ bên dưới luôn nhé.